Xã Quỳnh Văn - Huyện Quỳnh Lưuhttps://quynhvan.quynhluu.nghean.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 27/03/2023 23:202.8770
Cách đây hai chục vạn năm đã có con người sinh sống trên đất Nghệ An. Họ sống trong hang Thẩm Òm, bên suối bản Thắm thuộc huyện Quỳ Hợp. Trong buổi đầu con người sinh sống chủ yếu ở vùng núi, vùng thung lũng chân núi. Nhưng đến khoảng năm, sáu ngàn năm cách ngày nay thì trên đất Nghệ An, con người đã mở rộng địa bàn sinh sống xuống tận ven biển. Đó là những chủ nhân đã sáng tạo nên một nền văn hóa thời đồ đá, mới chỉ tìm thấy trên đất Nghệ An (và cả Việt Nam) tại Quỳnh Văn, gọi là văn hóa Quỳnh Văn. Văn hoá Quỳnh Văn được phát hiện đầu tiên là cồn vỏ điệp ở xã Quỳnh Văn. Người ta gọi nó là văn hóa vỏ điệp hay văn hóa vỏ sò. Cồn vỏ điệp ở xã Quỳnh Văn nằm ngay cạnh quốc lộ 1A, nằm dưới chân nũi Lạp Sơn thuộc dãy núi Thất Tinh (Lam Cầu).
Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch viết: “Gò điệp ở núi Lam Cầu, huyện Quỳnh Lưu, phía đông chạy tới tận biển. Vảy cá, vỏ ốc tích thành gò lớn cao độ hai trượng, rộng độ hai dặm. Bốn xung quanh là ruộng bằng phẳng, phía đông trông ra biển và cách xa biển độ hơn mười dặm”. Ông cho rằng: “Có lẽ chỗ ấy ngày xưa là bờ biển”. Gần đây, nhờ các cuộc khai quật khảo cổ, có thể khẳng định cồn vỏ điệp Quỳnh Văn là nơi cư trú của người nguyên thủy. Từ năm 1930 – 1932, nhà nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani là người đầu tiên đã khai quật một số địa điểm cồn sò điệp ở khu vực Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Bà là người đã phát hiện và mở đầu công cuộc nghiên cứu về văn hóa Quỳnh Văn. Đến đầu năm 1963, nhà khảo cổ học Phan Ngọc Liễn đã phát hiện được một số di vật đá và xương ở địa điểm xã Quỳnh Văn. Nhờ phát hiện này, Đội Khảo cổ học của Viện Khảo cổ học đã tiến hành phúc tra, thám sát và khai quật di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn. Trong hai năm 1963 - 1964, Đội Khảo cổ học đã triển khai ba đợt thám sát với diện tích 13m2 và hai đợt khai quật với tổng diện tích 150m2 ở di chỉ Quỳnh Văn. Đợt khai quật thứ nhất ở phía Tây cồn Thống Lĩnh diện tích 50m2; đợt thứ hai diện tích 100m2 chia làm hai hố, mỗi hố 50m2. Trong các đợt nghiên cứu này, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số lượng lớn các di vật bằng đá, xương, vỏ nhuyễn thể và một số mảnh gốm, đặc biệt đã tìm thấy 30 ngôi mộ trong hố khai quật. Tầng văn hóa di chỉ Quỳnh Văn dày khoảng 5m. Có thể nói đây là đợt khai quật có qui mô lớn nhất và quan trọng nhất từ trước đến nay về văn hóa Quỳnh Văn nói chung và địa điểm Quỳnh Văn nói riêng. Theo nhà khảo cổ học Hoàng Xuân Chinh, cồn sò điệp là nơi cư trú của người nguyên thủy Quỳnh Văn, sau đó được sử dụng như một khu mộ địa. Cồn sò điệp là kết quả phế thải vỏ các loài nhuyễn thể và hải sản sau bữa ăn. Nhà khảo cổ học người Liên Xô (cũ) P.I.Boriskovski đã phân loại công cụ đá ở đây thành 10 loại: bàn nghiền, hòn kê, mảnh tước, dao, rìu, nạo, nạo từ hạch, nạo mảnh và hạch đá. Đồng thời ông nhấn mạnh đặc trưng văn hóa Quỳnh Văn thuộc loại hình di tích đống rác bếp ven biển và xếp chúng vào sơ kì thời đại đá mới.
Trên dưới năm nghìn năm, đã có con người sinh sống trên đất Quỳnh Văn nói riêng, Quỳnh Lưu nói chung và chính họ đã sáng tạo nên nền văn hóa Quỳnh Văn. Dấu vết văn hóa Quỳnh Văn còn tìm thấy tại nhiều cồn vỏ điệp ở các xã khác thuộc huyện Quỳnh Lưu như lèn Mu Rùa ở Quỳnh Hoa, Đền Đồi ở xã Quỳnh Hậu, Cồn Con Voi ở xã Quỳnh Lương, Cồn Điệp ở xã Quỳnh Bảng, Đồi Đất ở xã Quỳnh Nghĩa, Rú Điệp ở xã Quỳnh Xuân. Đến nay đã phát hiện 21 địa điểm văn hoá Quỳnh Văn, đều là loại hình cồn sò điệp hay loại hình đống rác bếp. Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng: “Ngày xưa, khi các bộ lạc văn hóa Quỳnh Văn còn sinh sống ở đây, vùng ruộng nước và đồng lầy này còn là cái vịnh biển nông, nửa kín mà bờ biển phía đông chính của nó là dải cát cao 3 – 4m sát bờ biển hiện nay. Cái vịnh biển lặng gió, ít sóng này là môi trường thích hợp của điệp, một loài nhuyễn thể nước mặn. Người nguyên thủy đã đến sinh sống xung quanh tại cái vịnh biển này, bắt điệp về ăn, đổ vỏ thành đống. Đống vỏ càng ngày càng lớn, trở thành “cồn điệp” hay “rú điệp”. Người nguyên thủy đã cư trú ngay trên đống vỏ mà họ đổ ra, vì vậy mà dấu vết của họ thấy từ lớp đáy đến lớp mặt”. Trong các cồn điệp ở Quỳnh Lưu, ngoài điệp, sò (có gai hay nhẵn), những thức ăn quan trọng khác của chủ nhân văn hóa, còn một số động vật thân mềm khác như ốc đinh, ốc sắt, ốc gai, ngao, hàu… Cũng theo giáo sư Hà Văn Tấn, điều quan trọng là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ đá của người nguyên thủy. Ngoài một số hòn ghè và chày nghiền làm bằng đá cuội, hầu hết công cụ của chủ nhân văn hóa Quỳnh Văn đều làm bằng đá gốc, tức đá khối lấy từ núi hay từ mỏ đá - loại đá làm công cụ khá tốt. Trong văn hóa Quỳnh Văn chưa có kĩ thuật mài đá. Kĩ thuật duy nhất ở đây là ghè đẽo. Đó là điểm khác biệt với văn hóa Bắc Sơn. Nhìn vào công cụ đá của người Quỳnh Văn, ta thấy họ thường ghè đẽo nhiều vết trên một mặt, còn một mặt được ghè đẽo rất ít hoặc giữ nguyên mặt tách khá phẳng từ khối đá ra. Bằng cách đó, họ đã tạo nên những công cụ có một mặt phẳng, một mặt khum ra và rìa xung quanh là lưỡi. Người ta thường gọi công cụ như vậy là công cụ hình mai rùa. Gọi là hình mai rùa, nhưng thực ra chúng không chỉ có hình tròn hay hình bầu dục mà còn có hình trám, hình chữ nhật. Có những công cụ rất dày, lưỡi có góc lớn và lệnh. Một số mảnh đá mỏng, được ghè đẽo khá tinh tế ở rìa cạnh, có thể làm dao cắt. Ngoài những công cụ nói trên ở cồn Thống Lĩnh, còn tìm thấy những chiếc rìu đá gần hình chữ nhật, được ghè đẽo trên cả hai mặt. Những chiếc rìu này thường có dốc dày, mỏng dần về phía lưỡi, rìu lưỡi thẳng hay có hình cung. Đó là loại công cụ đẹp nhất trong công cụ Quỳnh Văn. Các bộ tộc Quỳnh Văn chưa biết mài đá đồ đá nhưng đã biết mài đồ xương. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy mũi dùi và những chiếc đục bằng xương. Đục thường được làm bằng một phần xương ống của động vật, có lưỡi mài sắc và đẹp. Nếu kĩ thuật mài đá chưa thấy xuất hiện trong cư dân văn hóa Quỳnh Văn như ở các bộ lạc văn hóa Bắc Sơn thì ngược lại, kĩ thuật làm đồ gốm ở người Quỳnh Văn lại phát triển hơn. Đồ gốm ở Quỳnh Văn tìm thấy khá nhiều, mặc dù còn thô sơ. Tất cả đều được nặn bằng tay. Đất sét làm gốm được trộn thêm nhiều sạn cát to. Trong các di chỉ Quỳnh Văn, thường gặp loại nồi đất có miệng đứng thẳng và đáy nhọn. Để làm những chiếc nồi độc đáo này, người nguyên thủy xoắn ốc từ dưới lên trên, bắt đầu từ cái núm nhọn ở đáy. Mặt ngoài của những chiếc nồi gốm đáy nhọn này, có hoa văn ở chân. Đặc biệt ở mặt trong của những chiếc nồi này cũng thấy những dấu in thành rãnh nhỏ song song. Các nhà khảo cổ thường gọi loại gốm này là loại gốm có hoa văn hai mặt, nhưng thực ra dấu in ở bên trong nồi là dấu vết của kĩ thuật chế tác chứ không phải là kĩ thuật hoa văn trang trí. Miệng của đồ gốm đáy nhọn thường có đường kính 30 - 35cm. Nồi cao 20 – 40cm. Có thể người nguyên thủy đã đặt những chiếc nồi có đáy nhọn lên trên mặt cát hoặc lên giá kê, đan bằng cành cây. Nồi có đáy nhọn là thứ đồ dùng thông dụng trong các bộ lạc Quỳnh Văn.
Ngoài ra trong các cồn điệp của người Quỳnh Văn, thường tìm thấy bếp của họ. Đó là những đám tro than, ở giữa có những hòn đá ám khói. Một số hòn đá nứt nẻ vì bị lửa nung. Thường có ba hòn đá được kê gần nhau để bắc nồi. Trong tro than, thường lẫn xương thú, xương cá và xương cua. Đó là dấu vết những thức ăn mà người nguyên thủy đã nấu nướng. Qua những dấu vết này, chúng ta có thể biết được phần nào hoạt động kinh tế của các bộ lạc Quỳnh Văn. Cư dân trong các bộ lạc văn hóa Quỳnh Văn sống chủ yếu dựa vào việc bắt điệp ở bờ biển và vùng nước lợ. Ngoài sò, điệp, ngao, hàu…, con người thời đó còn sống bằng nghề đánh cá. Trong các cồn điệp đã tìm thấy các đốt xương, vây của các loài cá biển khá lớn. Muốn đánh được các loại cá lớn như vậy, người nguyên thủy phải có thuyền ra biển.
Săn bắn cũng là một hoạt động kinh tế của người Quỳnh Văn. Trong nơi cư trú của họ, đã tìm thấy xương trâu, bò rừng, hươu, nai, hoãng, nhím… đó là những thú rừng mà họ đã săn được. Ở cồn điệp Quỳnh Văn đã tìm thấy một đoạn ngà voi. Như vậy là người nguyên thủy đã săn được những loài thú lớn. Trong thời kì các bộ lạc Quỳnh Văn sinh sống ở vùng ven biển xứ Nghệ, biển lấn vào đất liền nhiều hơn ngày nay, có chỗ chỉ ăn sâu hơn dăm ba kilômét, có chỗ đến hơn mười kilômét. Còn rừng thì lan rộng khắp nơi, có khi ra tận mép biển, xen kẽ với những đồng cỏ và đầm lầy. Vì vậy các bộ lạc Quỳnh Văn vừa đánh cá biển, lại vừa săn thú rừng. Nhưng dường như săn bắn không đóng vai trò lớn lắm trong đời sống của họ. Đồ trang sức của cư dân Quỳnh Văn là vỏ trai, vỏ trùng trục có xuyên lỗ để đeo. Các huyệt mộ Quỳnh Văn đều chôn một người. Chỉ có một ngôi mộ tìm được hai xương hàm dưới. Như vậy mộ này có thể chôn đôi. Hình dạng mộ cũng như các vật chôn theo người chết không khác nhau mấy giữa các ngôi mộ. Điều này cho thấy lúc bấy giờ chưa có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Qua khu mộ ta thấy các thành viên trong thị tộc bình đẳng với nhau. Một số di tích văn hóa Quỳnh Văn đã được định niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ. Cồn điệp Thống Lĩnh có hai niên đại C14 là 4785 75 năm các nay và 4730 75 năm cách ngày nay. Các niên đại này được xác định từ mẫu sò ốc lấy ở độ sâu cách cồn nửa mét trong khi tầng di tích có con người cư trú ở đây dày đến 5m. Như vậy là cách ngày nay khoảng trên dưới năm nghìn năm, con người đã sinh sống trên đất Quỳnh Văn và sáng tạo ra nền văn hóa Quỳnh Văn rực rỡ.