Công ty ABACA xã Quỳnh Văn NanoSalt với quy trình sản xuất muối giảm mặn

Thứ tư - 22/02/2023 03:14 911 0
Công ty ABACA xã Quỳnh Văn NanoSalt với quy trình sản xuất muối giảm mặn

 

ThS. Hồ Xuân Vinh (Giám đốc Công ty TNHH ABACA) đã tìm ra được một hướng đi vừa giúp đáp ứng nhu cầu ăn uống giảm mặn của thị trường, vừa giúp nâng cao giá trị của hạt muối - góp phần cải thiện đời sống của diêm dân.

Cân bằng hai điều kiện

Dưới cái nắng bỏng rát trưa hè, khi nhiệt độ ngoài trời đã lên đến 400oC, những diêm dân tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) vẫn đang phơi mình trên cánh đồng muối trắng. Thời tiết tưởng chừng khó nhọc nhất - nắng hạn gay gắt và khan hiếm cơn mưa - đối với họ lại là điều kiện thuận lợi để làm muối.

Là huyện có vựa muối lớn nhất tỉnh với diện tích 600 ha, Quỳnh Lưu hiện có 12 hợp tác xã cùng hàng ngàn diêm dân chuyên làm muối phơi cát truyền thống. Song giờ đây không phải ai cũng muốn tiếp tục bám nắng gắn chặt đời mình với diêm nghiệp vốn vất vả, thời tiết khắc nghiệt khó lường - chỉ một cơn mưa trái mùa cũng đủ để công sức một ngày làm việc đổ sông đổ bể. Thêm vào đó, giá muối những năm gần đây rớt thê thảm càng khiến người nông dân nản lòng. “Người dân chủ yếu bán muối thô chứ chưa có công nghệ vượt trội để làm ra muối có giá trị cao hơn, do vậy dẫn đến hiện tượng ‘Được mùa mất giá, được giá mất mùa’”, ThS. Hồ Xuân Vinh (Giám đốc Công ty TNHH ABACA) chia sẻ. “Đời sống bấp bênh khiến nhiều hộ đã chuyển cánh đồng muối sang nuôi tôm hoặc nuôi thủy sản nước mặn, nhiều người thì bỏ nghề đi làm ở các công ty dệt may, da giày”.

Là người con của vùng đất Quỳnh Lưu, từ lâu anh Vinh vẫn luôn trăn trở tìm cách nâng cao giá trị của hạt muối, cải thiện đời sống diêm dân, từ đó gìn giữ nghề muối phơi cát truyền thống. Song cần lưu ý rằng mặc dù muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và gây ra những rối loạn khác cho sức khỏe.

Theo điều tra năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày của người Việt Nam là 9,4 gam, gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (5 gam/ngày). Muối cung cấp cho cơ thể có từ nhiều nguồn khác nhau. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, 70% nguồn muối là từ muối, mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn và khoảng 10% từ muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.


ThS Hồ Xuân Vinh bên cạnh các thiết bị trong quy trình sản xuất muối giảm mặn.

Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn. Điều đáng nói là, mặc dù hầu hết người Việt Năm ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi thì cho rằng bản thân có ăn mặn. “Dù ăn mặn nhưng nhiều người không nghĩ, không biết bản thân mình ăn mặn. Vô tình họ chủ quan, lâu ngày gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe”- đại diện Cục Y tế dự phòng nhận định trong một hội thảo truyền thông giảm muối vào năm 2020 1.

Trong bối cảnh chính phủ đang khuyến khích người dân ăn giảm mặn, làm thế nào để nâng cao giá trị hạt muối Quỳnh Lưu nói riêng và Việt Nam nói chung? Anh Hồ Xuân Vinh đã nảy ra một ý tưởng có thể thỏa mãn cả hai điều kiện đó: sản xuất muối giảm mặn.

Kỹ thuật phân tách vi khoáng

Đối với các diêm dân - dù là ở vùng nào - làm muối đều phải qua các công đoạn theo trình tự thời gian cố định. Bản chất của quá trình sản xuất muối biển là thực hiện phản ứng tách muối NaCl với nước và các loại muối khác trong nước biển. Phương pháp phơi cát sử dụng cát làm chất trung gian cho sự kết tinh muối với quy trình gồm ba công đoạn chính: cấp nước biển, sản xuất cát mặn và lọc chạt, kết tinh muối.

Để lấy được nước biển, người dân sẽ lợi dụng lúc thủy triều lên cao. Trước đó họ đã làm sẵn những hệ thống dẫn nước vào đồi cát, cống dẫn nước phải được đặt ở nơi nước biển có nồng độ muối cao. Sau đó dưới ánh nắng Mặt trời nước sẽ bị bốc hơi làm muối kết tụ lại trên bề mặt hạt cát.

Người dân sẽ thu được một hợp chất gọi là nước chạt (nước muối bão hòa) từ hệ thống đã lắng đọng và tiếp tục phơi nắng đến khi đã khô nước, tốc độ bay hơi phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và nền sân phơi. Bề mặt bốc hơi rộng thì nước bốc hơi nhanh, nền sân phơi hấp thụ nhiệt càng lớn thì bốc hơi càng mạnh. Sau giai đoạn bay hơi, hạt muối lúc này đã được kết tinh. Người dân tiến hành nạo muối, thu hoạch là kết thúc quy trình sản xuất muối 2.

“Phương pháp phơi cát thẩm thấu ngược này giúp lọc được vi nhựa, các chất bẩn; hạt muối sạch hơn rất nhiều, nhờ đó có lợi cho sức khỏe hơn, phù hợp với việc ăn uống hơn [so với các phương pháp làm muối khác]”, ThS. Hồ Xuân Vinh giải thích. Vì lý do đó, anh muốn tiếp tục duy trì phương thức làm muối phơi cát kiểu truyền thống này.

Tuy nhiên, các cách làm muối thông thường - kể cả làm muối phơi cát - đều chủ yếu tạo ra muối Natri Clorua (NaCl). Trong khi đó thành phần của muối biển không chỉ có NaCl mà còn có các khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe như Magie Sunfat (MgSO4), Kali Clorua (KCl) v.v. “Quá trình bốc hơi nước khiến người dân chỉ thu được muối NaCl, chúng ta ăn vào lại dẫn đến thừa muối Natri và thiếu các khoáng khác”, anh lý giải.

Do đó, anh Vinh quyết định sẽ tạo ra một loại muối giảm mặn đa khoáng - đồng nghĩa với việc giảm NaCl xuống chỉ còn 50% và bổ sung các khoáng chất có lợi. Sau một thời gian tìm tòi, anh đã tạo ra được một quy trình gồm nhiều bước cùng các loại máy móc đặc chế đi kèm. “Tôi xác định quy trình sẽ gồm các bước phân tách đa tầng để tách được từng loại muối khoáng. Mỗi loại muối khác nhau sẽ lại có một nhiệt độ kết tinh khác nhau”, anh mô tả về giải pháp của mình.

Trước tiên, anh sẽ thu mua muối của các hợp tác xã tại Quỳnh Lưu, sau đó tiến hành tạo ra muối NaCl bằng thiết bị cô đặc, phần dung dịch còn lại sau bước cô đặc sẽ được kết tinh lạnh ở nhiệt độ thích hợp để tạo ra muối MgSO4 và KCl. “Nếu chỉ dùng phương pháp nhiệt nóng thì chúng tôi chỉ kết tinh được NaCl thôi. Nhờ áp dụng cả phương pháp nhiệt nóng và phương pháp nhiệt lạnh mà chúng tôi kết tinh được nhiều loại muối khác nhau trong nước biển”.

Đáng chú ý, công ty anh còn thu mua cả nước mật muối - nước chảy ra từ hạt muối và là lượng nước còn sót lại trên bề mặt phơi - từ diêm dân. “Vì người dân đã tách muối NaCl ra rồi, nên trong lượng nước này chứa các khoáng khác với hàm lượng cao, đậm đặc và đạt đến độ bão hoà”, anh Vinh xem đây là một cách phát triển độc đáo của công ty so với những doanh nghiệp chế biến muối khác. “Chúng tôi tiếp tục tách các loại khoáng có trong mật muối này theo phương pháp nhiệt lạnh”.

Mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối, việc công ty thu mua với mức giá 1.000 - 1.500 đồng /lít đã khiến thu nhập của người dân tăng lên 50% so với trước đây.

Sau bước kết tinh, công ty sẽ tiến hành sấy, trộn, ly tâm tách nước và nghiền để tạo ra được hạt muối. Quá trình phối trộn sau đó sẽ giúp tạo ra được một loại muối giảm mặn đặc biệt cân bằng các vi khoáng khác nhau - giảm NaCl và bổ sung các khoáng chất khác. Các thiết bị được anh thiết kế có thể tạo ra vài tấn muối trong một ca làm việc. Thiết bị nghiền bao gồm nhiều kích thước lỗ sàng khác nhau, từ đó tạo ra những loại hạt với kích thước đa dạng tùy theo mục đích sử dụng.

Một số sản phẩm của NanoSalt
Một số sản phẩm của NanoSalt

“Hệ sinh thái các sản phẩm của NanoSalt sẽ chia thành bốn phân khúc chính: muối ăn, muối dược liệu – làm đẹp, muối y tế, và muối quà tặng”, anh chia sẻ. Chẳng hạn, muối ăn sẽ gồm muối dinh dưỡng giảm mặn, bột canh dinh dưỡng, muối tôm, muối tiêu chanh, muối ớt xanh; muối dược liệu gồm muối tắm epsom, muối ngâm chân thảo dược v.v. Muối y tế là định hướng giai đoạn sắp tới của dự án, anh Vinh kỳ vọng NanoSalt sẽ là đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các công ty hóa dược để sản xuất thuốc điều trị có nguồn gốc từ khoáng biển tự nhiên, cũng như các nguyên liệu muối Kali, muối Magie.

Cho đến hiện tại, anh đã phân phối các sản phẩm NanoSalt tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang và TP.HCM. Mỗi tháng công ty thu mua khoảng 50 tấn muối biển, 40 mét khối mật muối của diêm dân. Nhờ làm chủ được công nghệ, tự chế tạo máy móc “nên chúng tôi có thể tăng nâng suất lên gấp 2-3 lần chỉ sau 10 ngày”, anh Vinh chia sẻ.

“NanoSalt có rất nhiều cơ hội để mở rộng tiềm năng của mình”, nhất là khi đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ - TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15 – 49 tuổi) xuống dưới 8g/ngày vào năm 2025 và dưới 7g/ ngày vào năm 2030. “Chính phủ và Bộ Y tế đang có nhiều chính sách mở cho ngành muối của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm muối có hàm lượng Natri thấp, sản xuất được đại trà để có thể cung ứng rộng rãi. Cơ hội về thị trường và chính sách chính là điểm mạnh NanoSalt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, anh bày tỏ.

Thực chất anh Hồ Xuân Vinh không phải là một gương mặt xa lạ, anh vốn nổi tiếng là người đã phát triển những công nghệ mới giúp cải thiện sinh kế của người dân như dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung, dây chuyền công nghệ chế biến sợi chuối, dứa. Và mới đây - vào ngày 26/8 vừa qua - anh đã được vinh danh trong top 10 Đại sứ đổi mới sáng tạo Việt Nam (trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - TECHFEST 2022). Dẫu vậy, tự xem mình là “một người thích mày mò sáng chế ở vùng nông thôn”, anh Vinh cho biết “sau rốt, mục đích cuối cùng của tôi là cải thiện diêm nghiệp, để không chỉ người dân ở Quỳnh Lưu, mà cả Cà Ná (Ninh Thuận), Bạc Liêu đều sống được với nghề”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Thủ tục hành chính
Trả lời cử chi
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,139
  • Tháng hiện tại32,310
  • Tổng lượt truy cập894,538
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây