SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ QUỲNH VĂN
Xã Quỳnh Văn - Huyện Quỳnh Lưu
2023-03-02T04:37:25-05:00
2023-03-02T04:37:25-05:00
https://quynhvan.quynhluu.nghean.gov.vn/vi/about/Su-hinh-thanh-va-phat-trien.html
https://quynhvan.quynhluu.nghean.gov.vn/uploads/about/slide3-1.png
Xã Quỳnh Văn - Huyện Quỳnh Lưu
https://quynhvan.quynhluu.nghean.gov.vn/uploads/logo.png
Xã Quỳnh Văn có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Nền văn hóa Quỳnh Văn cách ngày nay khoảng 5.000 - 6.000 năm, nổi tiếng trong cả nước. Trải qua các giai đoạn biến thiên của lịch sử, địa giới hành chính có nhiều đổi thay; tên gọi cũng thay đổi, từ Hoa Vân phong thổ đến xã Quỳnh Văn ngày nay. Dân cư Quỳnh Văn sống dọc hai bên quốc lộ 1A với chiều dài từ Bắc tới Nam khoảng 4 km. Xã vừa có đồng bằng, vừa có vùng bán sơn địa.
Trải qua các chặng đường lịch sử, các thế hệ dân cư Quỳnh Văn đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp. Đó là cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, xây dựng làng xóm, kiên cường bảo vệ quê hương, hình thành nên nền văn hóa Quỳnh Văn cổ kính, tạo nên phong tục đẹp của một vùng quê lấy trồng trọt, chăn nuôi làm nguồn sống chính.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quỳnh Văn đã cùng dân tộc viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng; tích cực tham gia vào các cao trào cách mạng giải phóng dân tộc; trong Cách mạng Tháng Tám là một trong ba xã của huyện giành được chính quyền sớm nhất (ngày 16-8-1945). Quỳnh Văn cũng đóng góp nhiều công sức cho các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhân Dân Quỳnh Văn đã làm tròn trách nhiệm hậu phương trực tiếp đối với tiền tuyến lớn, bằng nỗ lực và quyết tâm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", được Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ mặt nông thôn Quỳnh Văn có nhiều đổi thay. Làng xóm khang trang - điện đường - trường - trạm - thông tin môi trường... từng bước được xây dựng phục vụ sản xuất, dân sinh... Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, nhân dân Quỳnh Văn đã và đang suy nghĩ, tìm tòi để nhanh chóng đạt được mục tiêu giàu có, văn minh.
Lịch sử, truyền thống Quỳnh Văn rất vẻ vang, cần được ghi lại cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết về cội nguồn, lịch sử của quê hương. Từ đó thêm tự hào về truyền thống, biết trân trọng công lao các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng nên làng xã như hôm nay, trách nhiệm hơn trong việc góp phần xây dựng Quỳnh Văn ngày thêm giàu đẹp.
Quỳnh Văn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, xưa có tên là Hoa Duệ thôn - Vân Tụ phường. Nơi đây có di chỉ văn hóa Quỳnh Văn là một trong những cái nôi sinh sống của người Việt cổ cách ngày nay trên dưới năm ngàn năm.
Từ thị trấn huyện lỵ Cầu Giát theo quốc lộ 1A ra hướng Bắc, đến km 399+200 là tới địa giới xã; đi tiếp đến cung Đất Đỏ, rẽ trái sẽ tới khu hành chính xã. Nằm trên một khu đất rộng, có hội trường và nơi làm việc của các cơ quan, đoàn thể, có sân vận động, trường học cao tầng, trạm y tế, đài tưởng niệm liệt sỹ... Từ trung tâm nhìn về bốn phía, có thể bao quát được toàn xã Quỳnh Văn.
Phía Tây Bắc xã Quỳnh Văn giáp xã Quỳnh Tân (thành lập năm 1973, gồm cư dân các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân và Quỳnh Bảng di cư lên). Nơi đây có nhiều cảnh đẹp do thiên nhiên tạo nên, gắn liền với nhiều chiến công qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc.
Phía Bắc giáp phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), xưa vốn là phường Vân Tụ, sau là Quỳnh Tụ. Nơi đây có núi Tùng Lĩnh, phong cảnh hữu tình, được ca ngợi:
..."Quỳnh Văn dưới bóng muôn cây núi Tùng
Tuyết sương trải biết mấy đông
Biển tô núi biếc vẫn nồng vẻ xuâ".
Phía Nam xã Quỳnh Văn giáp xã Quỳnh Thanh và xã Quỳnh Thạch. Phía Tây Nam giáp xã Quỳnh Hoa, Phía Đông Nam giáp xã Quỳnh Bảng.
- ĐIÊU KIỆN TỰ NHIÊN
Quỳnh Văn là xã Bán sơn địa, cách trung tâm huyện khoảng 7 km về phía Bắc có đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua với vị trí địa lý như sau:
Xã Quỳnh Văn có tổng diện tích tự nhiên 1.493,21 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp có 1.108,39 ha chiếm 74,2%, với dân số 15.948 người /3.758 hộ được phân bố trên 18 thôn.
Nhân dân thu nhập chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp với buôn bán kinh doanh tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề lao động phổ thông. Địa hình của xã tương đối bằng phẳng, có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có nhiều tuyến đường huyết mạch giao thông đi qua.
Năm 2022 tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 1.453 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng kinh tế kinh tế: 9%. Thu nhập bình quân đầu người 47,84 triệu đồng/người/năm.
Từ việc xây dựng nông thôn mới để có kết cấu hạ tầng cơ sở từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao giá trị văn hoá và gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ. Môi trường sinh thái được bảo đảm, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Quỳnh Văn đã tiến hành rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định của UBND tỉnh: số 1563/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiễu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 với mục đích bổ sung các giải pháp, nâng cao, phát triển các tiêu chí tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Đó là mục tiêu chính trị xuyên suốt mà Đảng bộ, Chính quyền luôn luôn quan tâm, tổ chức thực hiện.
Nằm ở vùng giáp đồng bằng và vùng bán sơn địa Quỳnh Lưu, Quỳnh Văn có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Địa hình xã thấp dần từ Bắc xuống Nam với các dải đất lượn sóng cao thấp. Có thể chia địa hình của xã Quỳnh Văn làm hai vùng:
Vùng đồng bằng chủ yếu nằm hai bên quốc lộ 1A. Đây là vùng có điều kiện đất đai thích hợp cho việc trồng lúa, hoa màu, các loại rau. Từ xa xưa, đây là vùng biển cổ, do sự bồi lắng, trầm tích phù sa cổ. Vùng đồng bằng chủ yếu được tưới từ hệ thống thủy lợi của đập Đô Lương năm 1933, ngoài ra được bổ sung nước của hệ thống thủy lợi Vực Mấu từ năm 1986.
Vùng đồi núi có các đồi nhỏ và núi đá vôi nằm đơn lẻ như núi Tùng Lĩnh, lèn Trụ Hải, núi Lạp Sơn.
Quỳnh Văn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồng thời lại ảnh hưởng của khí hậu mang hơi nước từ biển vào; có hai mùa rõ rệt, mùa lạnh và mùa nóng. Mùa lạnh từ tháng Mười Một đến tháng Tư năm sau; nhiệt độ trung bình các tháng lạnh nhất (tháng Chạp đến tháng Hai) là 19oC. Mùa nóng từ tháng Năm đến tháng Mười, gió Tây Nam khô nóng thổi về; tháng Sáu và tháng Bảy là các tháng nóng nhất, nhiệt độ trung bình khoảng 38oC; từ tháng Tám đến tháng Mười là mùa mưa kèm theo những đợt áp thấp và bão lớn.
Quỳnh Văn có kênh N19 và N28 của hệ thống thủy nông Đô Lương chảy về. Từ năm 1986, có thêm kênh Nam Vực Mấu với chiều dài 5,3km; có hồ Eo Dâu và hồ Đồng Lầm với dung tích 2 triệu m3, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 147,8ha và sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước ngầm khá rộng, có độ sâu từ 3 – 6m.
Hệ thống đường giao thông ở Quỳnh Văn khá đa dạng, phong phú và thuận tiện. Trên địa bàn xã có 236 đoạn đường với tổng chiều dài 91,8 km. Đường sắt Bắc Nam chạy qua xã dài 2,3 km. Trong các tuyến đường bộ, lớn nhất là quốc lộ 1A chạy qua địa bàn xã, từ đầu thôn 6 đến cuối thôn 17 có chiều dài 2,9 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nhất của xã, huyện và cả nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của Quỳnh Văn; thông thương với các xã trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Quốc lộ 1A đi qua chia xã thành hai vùng, mỗi vùng có những lợi thế riêng. Đường huyện có tuyến đường du lịch Văn - Bảng đi xã Quỳnh Bảng dài 6 km, đoạn chạy qua Quỳnh Văn dài 2,4km. Các tuyến đường trục xã, liên xã dài 13,5km, đường trục chính đến thôn và liên thôn có 9 tuyến với chiều dài 11,43km; hệ thống đường nội thôn có 33 tuyến với 14,6km.
- KINH TẾ - XÃ HỘI
Từ lâu, Quỳnh Văn có truyền thống giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng trong và ngoài tỉnh. Chợ Vân có quy mô lớn đã ra đời từ lâu, là nơi giao lưu kinh tế, bởi Vân Tụ là thủ phủ của huyện Quỳnh Lưu từ thời Lý đến thời Lê Sơ.
Quỳnh Văn có nhiều danh lam thắng cảnh như Đền Rậm, di chỉ văn hóa Cồn Điệp, có tiềm năng về phát triển du lịch nếu được đầu tư tôn tạo khoa học, khai thác hiệu quả.
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của Quỳnh Văn có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Tính chất đa dạng của tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng ruộng tương đối bằng phẳng, có nguồn nước tưới phục vụ sản xuất khá ổn định tạo điều kiện phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, làm các nghề thủ công. Xã nằm trên các trục giao thông huyết mạch nên thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
- VĂN HÓA
1. Di chỉ văn hóa Quỳnh Văn.
Cách đây hai chục vạn năm đã có con người sinh sống trên đất Nghệ An. Họ sống trong hang Thẩm Òm, bên suối bản Thắm thuộc huyện Quỳ Hợp. Trong buổi đầu con người sinh sống chủ yếu ở vùng núi, vùng thung lũng chân núi. Nhưng đến khoảng năm, sáu ngàn năm cách ngày nay thì trên đất Nghệ An, con người đã mở rộng địa bàn sinh sống xuống tận ven biển. Đó là những chủ nhân đã sáng tạo nên một nền văn hóa thời đồ đá, mới chỉ tìm thấy trên đất Nghệ An (và cả Việt Nam) tại Quỳnh Văn, gọi là văn hóa Quỳnh Văn.
Văn hoá Quỳnh Văn được phát hiện đầu tiên là cồn vỏ điệp ở xã Quỳnh Văn. Người ta gọi nó là văn hóa vỏ điệp hay văn hóa vỏ sò. Cồn vỏ điệp ở xã Quỳnh Văn nằm ngay cạnh quốc lộ 1A, nằm dưới chân nũi Lạp Sơn thuộc dãy núi Thất Tinh (Lam Cầu).
Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch viết: “Gò điệp ở núi Lam Cầu, huyện Quỳnh Lưu, phía đông chạy tới tận biển. Vảy cá, vỏ ốc tích thành gò lớn cao độ hai trượng, rộng độ hai dặm. Bốn xung quanh là ruộng bằng phẳng, phía đông trông ra biển và cách xa biển độ hơn mười dặm”. Ông cho rằng: “Có lẽ chỗ ấy ngày xưa là bờ biển”. Gần đây, nhờ các cuộc khai quật khảo cổ, có thể khẳng định cồn vỏ điệp Quỳnh Văn là nơi cư trú của người nguyên thủy.
2. Đền, đình và những phong tục, lễ hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Quỳnh Văn đã hình thành nên các phong tục; lễ hội; lập nên nhiều đền, nghè, miếu để thờ tự, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đáp ứng sinh hoạt cộng đồng và nhu cầu tâm linh của con người. Đền Rậm (Đền Thượng) thờ anh hùng dân tộc Phùng Hưng. Đền Trung (bên cạnh có chùa Luốc) nằm ở chân núi Lạp Sơn. Đình Phúc hay đình Xã, hàng năm tổ chức lễ cầu phúc, cầu yên, cầu thọ, cầu mùa màng bội thu, dân cư thịnh vượng. Đền Rậm và đền Trung cùng chung sắc thờ Phùng Hưng. Nghè Khe Tiêu thờ Hồ tướng quân. Nghè Thống Lĩnh ở Lạp sơn thờ Thống Lĩnh đại tướng quân linh phù tôn thần. Miếu Cây Thị của giáp Thọ Văn (thờ ai không rõ). Miếu Văn Thánh thờ Tùng Sơn chính tích oanh liệt tôn thần. Quỳnh Văn có năm ngôi đình lớn, đó là đình Xã (đình Phúc), đình Văn Mỹ, đình Văn Lâm, đình Thọ Văn, đình Bồ Đề. Ngoài ra Quỳnh Văn còn có đền Cồn Điệp, nghè Nhỏ, nghè Đồng Bạc, nghè Làng Lạc, nghè Làng Long... Tổng cộng, Quỳnh Văn có 14 nghè, miếu thờ thành hoàng làng, ba chùa thờ Phật.
Quỳnh Văn là vùng đất cổ, có nền văn hóa rực rỡ cách nay từ 5.000 - 6.000 năm. Trong lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất này nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau: từ Kẻ Vân, Hoa Duệ, Vân Tụ, đến Quỳnh Văn.
Trên đất Quỳnh Văn xưa và nay, có nhiều dòng họ từ nhiều vùng đất khác nhau đến định cư. Các thế hệ của nhiều dòng họ đã cùng chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để chinh phục thiên nhiên, từng bước lập nên làng thôn ngày càng trù phú, yên vui. Các bậc tiền nhân đã đoàn kết, đồng lòng, đóng góp trí lực, tạo nên sức mạnh để chung tay xây dựng, bảo vệ quê hương và đất nước trước các thế lực xâm lăng. Mỗi tấc đất quê hương đều thấm đẫm tình cảm, mô hôi nước mắt và bao xương máu của các thế hệ cha ông.
Trong quá trình sinh tồn và phát triển, nhân dân Quỳnh Văn đã tạo lập cho mình một di sản văn hóa, truyền thống phong phú và đa dạng, trong đó nổi lên vị trí hàng đầu là tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết. Bên cạnh đó, lịch sử còn hun đúc nên truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tính thích nghi và hội nhập, truyền thống hiếu học, trọng học vấn, trọng nghĩa khí, tính cộng đồng và tinh thần nhân ái. Truyền thống văn hóa đó bắt nguồn từ nền văn hóa bản địa từ xa xưa và tiếp biến các ảnh hưởng văn hóa bên ngoài tạo nên thuần phong mĩ tục thắm đượm tình làng nghĩa nước. Nhờ vậy, Quỳnh Văn đã vượt qua được mọi thử thách, vững bước đi lên.
Truyền thống kiên cường, bất khuất của nhân dân Quỳnh Văn được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dưới ánh sáng của Đảng, nhân dân Quỳnh Văn đã đứng lên đấu tranh các cao trào cách mạng: Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào Dân chủ 1936 - 1939, rồi thời kì 1939 - 1945. Khi thời cơ cách mạng đến, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân Quỳnh Văn nhất tề đứng lên giành chính quyền thắng lợi vào sáng 16-8-1945. Từ đây, lịch sử Quỳnh Văn bước sang trang mới.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954) gian khổ, là xã thuộc vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh, Nhân dân Quỳnh Văn luôn chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển sản xuất, tăng cường lực lượng vũ trang tại chỗ, góp phần cùng quân và dân toàn huyện giành thắng lợi trong trận chống càn năm 1949 và đóng góp sức người, sức của làm tròn vai trò hậu phương và kháng chiến. Nhân dân Quỳnh Văn tự hào đã góp phần cùng toàn dân tộc giành thắng lợi trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, Nhân Dân Quỳnh Văn kiên cường, anh dũng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện nhiều nhất cho miền Nam ruột thịt. Lớp lớp thanh niên Quỳnh Văn lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 62 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người để lại một phần xương thịt ở các chiến trường để Tổ quốc "nở hoa độc lập, kết quả tự do".
Đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Quỳnh Văn đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; bộ mặt quê hương thay đổi từng ngày.
Với bề dày lịch sử, văn hóa, kế thừa, phát huy những truyền thống và thành tựu đã đạt được, Nhân Dân Quỳnh Văn tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, ra sức phấn đấu khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh, tận dụng các thời cơ và vận hội mới, viết nên những trang sử mới xứng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.