Quyết tâm cao để đẩy mạnh CCHC thực chất, hiệu quả hơn

Thứ ba - 30/05/2017 05:29 167 0
Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo, tại Trụ sở Chính phủ, chiều 30/5.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản pháp luật, kiểm tra văn bản, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, đã trình Chính phủ đã ban hành 69 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà Nước.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được các bộ, ngành quan tâm. Trọng tâm là theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển nhằm cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển để phục vụ nhân dân, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, cắt giảm và đơn giản hoá TTHC, trọng tâm là các TTHC như thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, thông quan hàng hoá quan biên giới.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi. Việc triển khai mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm, tạo cơ sở cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, quản lý công chức, đồng thời, triển khai chính sách tinh giản biên chế. Trong 5 tháng đầu năm 2017 cả nước đã tinh giản được 5.062 biên chế, nâng tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản từ năm 2015 đến nay là 22.673 người.

Về công tác hiện đại hoá hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai có hiệu quả việc kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ đã giúp hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, đến nay các bộ, ngành đã triển khai thực hiện cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 với 63/82 dịch vụ công theo danh mục được phê duyệt trong năm 2016, đạt tỷ lệ 77%, góp phần tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm sách nhiễu nhân dân khi thực hiện TTHC.

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo xác định một số nhiệm vụ lớn sau: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định tại các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ CCHC của Ban Chỉ đạo, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về công chức, viên chức, liên quan đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hoá TTHC; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt bản mô tả công việc và vị trí việc làm trong từng cơ quan; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Đẩy mạnh tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập; khẩn trương ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định. Duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ với trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, chấp hành kỷ luật…
 

Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương trong những tháng đầu năm 2017.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, bước vào nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã chủ trương “đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC”. Theo đó, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng đôn đốc việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC.

Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kịp thời các văn bản nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện công tác CCHC, kiểm soát TTHC. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đã có bước chuyển biến tích cực, Chính phủ đã cơ bản chấm dứt được tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật.

“Một số kết quả nổi bật trong công tác CCHC như TTHC ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch, nhiều nội dung cải cách trọng tâm, có tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Hệ thống thể chế bảo đảm cho việc giải quyết TTHC tại các cơ quan Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng những yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã rà soát, xác định các dịch vụ hành chính công có thể cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 và đưa vào vận hành, khai thác hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Cụ thể, hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đã tiếp nhận 586 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội. Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 kiến nghị tới các bộ, ngành, địa phương để xử lý theo thẩm quyền, trả lời doanh nghiệp và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân đã tiếp nhận 766 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xử lý, đã gửi các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý 199 phản ánh, kiến nghị.

Các lĩnh vực như thuế, công thương, giao thông vận tải, bảo hiểm y tế, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nhiều chuyển biến tích cực. “Những địa phương có điều kiện tương tự như Quảng Ninh cần đề xuất việc xây dựng mô hình thí điểm trung tâm hành chính công cấp tỉnh để Bộ Nội vụ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền. Khi có được mô hình này rồi cần có kết nối với Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tạo sự đồng bộ và thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với cơ quan hành chính Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục như cải cách nhưng vẫn còn rườm rà, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC chưa đồng bộ. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 nhiều nơi còn hình thức. Các trung tâm hành chính công cấp tỉnh chưa có mô hình thống nhất…

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ: Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC trên cơ sở kế hoạch và mục tiêu đề ra. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC, kiểm soát TTHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của từng cá nhân trong cơ quan; xây dựng Chính phủ điện tử gắn với CCHC, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trong quý III/2017, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử.

Phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ kết quả Chỉ số CCHC hằng năm của Bộ Nội vụ công bố, các ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, rà soát, xác định rõ những điểm mạnh, yếu kém trong CCHC của đơn vị mình…

Về hoạt động của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra thực hiện CCHC thuộc phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý tại bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ cần tích cực đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công, tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC.

“Tôi đề nghị chúng ta cần đồng tâm, hiệp lực, thống nhất trong phối hợp hành động và thực hiện với quyết tâm cao để đẩy mạnh cải cách thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Lê Sơn

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản chỉ đạo điều hành
Dịch vụ công trực tuyến
Thủ tục hành chính
Trả lời cử chi
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay358
  • Tháng hiện tại21,346
  • Tổng lượt truy cập976,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây